169 vn

Logo

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

TUỔI TRẺ HỌC VIỆN CÁN BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Tác giả: Lâm Thái Khang (Lớp K6A-QLNN), Nguyễn Công Khải (Lớp K7A-QLNN)

Tóm tắt: Kinh tế xanh là một trong những giải pháp tối ưu cho sự phát triển kinh tế và cải thiện môi trường sống. Thành phố Hồ Chí Minh đã có những định hướng và mong muốn sớm đưa mô hình kinh tế xanh áp dụng cho Thành phố, để vừa cải thiện môi trường của thành phố, làm giảm phát khí thải nhà kính và tạo động lực mới cho mô hình kinh tế mới phát triển. Bài viết cũng đã nêu lên những góc nhìn thực tiễn về công tác phát triển xanh của Thành phố, từ đó đề xuất các giải pháp cho Thành phố Hồ Chí Minh trong việc sớm triển khai mô hình kinh tế xanh cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Kinh tế xanh, Thành phố Hồ Chí Minh

TPHCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là xu hướng chủ đạo

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các diễn đàn, hội thảo để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về đề xuất, phương hướng và giải pháp cho phát triển kinh tế xanh, tạo động lực mới cho nền kinh tế Thành phố. Trong nhiều năm liền Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp hơn 1/4 ngân sách cả nước với tốc độ phát triển thần kỳ và nhanh chóng, Thành phố đã đạt nhiều mục tiêu đặt ra về kinh tế, tuy vậy việc đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường là bài toán lớn cho TP.HCM, với tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước. Bài toán mới đặt ra cho Thành phố là làm sao hướng tới phát triển kinh tế xanh, vừa bảo vệ được môi trường và vừa thực hiện phát triển kinh tế cho Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguyễn, 2024)

Đầu tư cho việc phát triển kinh tế xanh đang được các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và tìm ra những phương hướng phù hợp để đưa mô hình kinh tế xanh vào vận hành. Đây là cơ sở giúp cho môi trường sống tại Thành phố Hồ Chí Minh được cải thiện, giảm mức độ ô nhiễm và nếu như vận hành tốt những định hướng thì nền kinh tế Thành phố sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Vì thế, trong bài viết cũng đã nêu rõ những quan điểm, đề xuất những giải pháp nhằm giúp hoàn thiện thêm các phương hướng cho Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phát triển kinh tế xanh.

2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.1. Khái niệm kinh tế xanh

Thuật ngữ “kinh tế xanh” được giới thiệu lần đầu bởi các nhà kinh tế môi trường trong Báo cáo của Chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Báo cáo này tập trung vào việc xác định sự phát triển bền vững và những tác động của nó đối với tiến bộ kinh tế và chính sách.

Liên Hợp Quốc định nghĩa nền kinh tế xanh là “nền kinh tế ít carbon, tiết kiệm tài nguyên và hòa nhập xã hội. Trong nền kinh tế xanh, tăng trưởng việc làm và thu nhập được thúc đẩy bởi đầu tư công và tư nhân vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, tài sản cho phép giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên cũng như ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái” (Nguyễn, 2021).

Theo quan điểm của Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc UNESCAP: “Kinh tế xanh là cách tiếp cận để đạt được tăng trưởng kinh tế với mục đích phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo sự bền vững về môi trường” (Đoàn, 2022).

Như vậy, kinh tế xanh là một khuôn khổ kinh tế tích hợp các vấn đề bảo vệ môi trường và tính bền vững vào tăng trưởng kinh tế. Khác với các mô hình kinh tế truyền thống, kinh tế xanh tập trung vào việc cân nhắc và tích hợp môi trường vào các quyết định kinh tế và chính sách, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững không gây hậu quả lâu dài đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống.

2.1.2. Phát triển bền vững

Trong bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN - International Union for Conservation of Nature and Natural Resources), mục tiêu của phát triển bền vững được định rõ là “đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật”. Thuật ngữ “phát triển bền vững” trong trường hợp này được sử dụng với một phạm vi hẹp, tập trung vào việc bảo tồn và bảo vệ các tài nguyên sinh vật. Điều này nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái và đề xuất việc tăng cường bảo tồn các tài nguyên sinh học.

Như vậy, phát triển bền vững là một cách tiếp cận phát triển mà nhấn mạnh việc đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của chính mình. Nó bao gồm việc cân nhắc các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường trong quá trình ra quyết định và thực hiện các hoạt động kinh doanh và phát triển. Phát triển bền vững không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế mà còn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, giảm bất công xã hội và tăng cường sự thịnh vượng và hạnh phúc cho cả cộng đồng hiện tại và tương lai. Điều quan trọng là phát triển bền vững nhấn mạnh việc tạo ra một sự cân bằng giữa các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, để có thể duy trì sự phát triển trong dài hạn mà không làm hại đến các nguồn lực hay môi trường sống của chúng ta.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, thu thập tài liệu để phân tích thực trạng phát triển kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những mặt hạn chế, phát huy những mặt làm được, tối ưu cho sự phát triển kinh tế và cải thiện môi trường sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Thực trạng ứng dụng kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh

3.1. Mặt đạt được

Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm những phương án để sớm đẩy mạnh nhanh chóng việc áp dụng mô hình kinh tế xanh cho Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy việc hiện thực hóa cụ thể mô hình kinh tế xanh vẫn đang được định hướng, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đạt được những thành tựu tiêu biểu thông qua tiến trình đẩy mạnh các biện pháp về hoạt động kinh tế hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh trong tương lai.

Thứ nhất, trong công tác hướng đến một nền kinh tế xanh bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tích cực triển khai các biện pháp hiệu quả, tăng cường xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, các buổi tọa đàm giữa các chuyên gia với lãnh đạo Thành phố để cùng nhau đóng góp, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện xây dựng mô hình kinh tế xanh. Đóng góp những ý tưởng và hoàn thiện chính sách là phương hướng tối ưu giúp cho kinh tế xanh có triển vọng trở thành trụ cột kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.

Thứ hai, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Chính phủ về công tác phát triển kinh tế xanh trong giai đoạn tới một cách quyết liệt và nghiêm túc. UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định số 4589/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 về “Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”. Việc tạo dựng cơ sở pháp lý giúp cho công tác quản lý nhà nước về các hoạt động tăng trưởng xanh cho Thành phố cũng được đẩy mạnh, ngoài ra phương án tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng được nêu lên mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 06 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đây là cơ sở quan trọng giúp vận dụng được mô hình tăng trưởng xanh hướng đến mục tiêu kinh tế xanh bền vững, là động lực mạnh mẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh định hướng tốt cho việc phát triển mô hình kinh tế xanh.

Thứ ba, trong những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn, xanh hóa để phát triển bền vững. Nhiều khu công nghiệp cũng đã thay đổi phương hướng tiếp cận mới từ sản xuất theo kiểu truyền thống sang sản xuất “cộng sinh công nghiệp”, lấy chất thải của doanh nghiệp này làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác. Việc này cũng làm giảm nguy cơ ô nhiễm ra bên ngoài, đặc biệt liên quan đến môi trường nước và không khí.

3.2. Mặt hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong tiến trình hướng đến một nền kinh tế xanh bền vững cho Thành phố Hồ Chí Minh, thì đâu đó vẫn xuất hiện một số hạn chế, bất cập trong quá trình hiện thực hóa nền kinh tế xanh cho Thành phố.

Một là, năng lượng xanh, sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn là một bài toán nan giải cho Thành phố trong tiến trình xây dựng nền kinh tế xanh. Bởi lẽ, Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, một trung tâm công nghiệp phát triển hàng đầu. Việc sử dụng năng lượng từ các nhà máy, xí nghiệp còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Hai là, tình hình giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn là vấn đề cần phải bàn luận. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân cư, phương tiện giao thông ngày càng nhiều đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí do khói bụi từ các phương tiện giao thông ngày càng tăng cao, khiến cho các hoạt động sản xuất và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa triển khai hiệu quả cho việc đầu tư giao thông công cộng, giao thông xanh nhằm giảm tình trạng khói bụi và ô nhiễm môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba là, các chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp thực hiện các mô hình tăng trưởng xanh còn chưa được triển khai đồng bộ. Thiếu sự nhất quán từ các chính sách, dẫn đến công tác đầu tư vào những lĩnh vực cải tiến tăng trưởng xanh vẫn còn vướng phải những khó khăn. Bồi dưỡng nguồn nhân lực cho kinh tế xanh chưa đề cập sâu sắc trong những định hướng phát triển kinh tế xanh và chưa có sự phối hợp hiệu quả trong công tác quản lý trong việc thực hiện cải tạo môi trường, kích thích đầu tư cho kinh tế xanh.

Bốn là, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn khá hạn chế. Mặc dù có nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ, nhưng ý thức và nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh vẫn còn thấp. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của các chương trình và dự án kinh tế xanh.

3.3. Nguyên nhân

Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy có một số nguyên nhân gây ra các mặt hạn chế trong việc áp dụng kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

Một là, tăng trưởng dân số và công nghiệp. Sự gia tăng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế đã tạo ra áp lực lớn đối với môi trường và tài nguyên. Việc đáp ứng nhu cầu này thường đi đôi với việc tiêu thụ tài nguyên và sản xuất ra lượng lớn chất thải, gây ra ô nhiễm và làm suy giảm nguồn lực tự nhiên.

Hai là, thiếu hạ tầng và công nghệ. Hạ tầng và công nghệ cần thiết để triển khai các giải pháp kinh tế xanh vẫn còn hạn chế. Việc đầu tư và phát triển các công nghệ sạch, hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng xanh vẫn chưa đáp ứng kịp thời với tốc độ tăng trưởng của thành phố.

Ba là, thiếu nhận thức và thái độ của cộng đồng. Một số cộng đồng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách bền vững. Thái độ tiêu thụ lớn và phản ứng chậm trễ của cộng đồng có thể làm chậm tiến trình chuyển đổi sang kinh tế xanh.

Bốn là, thiếu chính sách hỗ trợ và khuyến khích. Việc thiếu các chính sách và cơ chế hỗ trợ từ phía chính phủ có thể làm giảm động lực của doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế xanh. Thiếu các cơ chế khuyến khích và ưu đãi có thể làm giảm tính hấp dẫn của các dự án và giải pháp kinh tế xanh.

Năm là, thách thức về quản lý tài nguyên. Quản lý tài nguyên một cách hiệu quả vẫn là một thách thức lớn. Sự lãng phí và thiếu hiệu quả trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên có thể làm giảm hiệu quả của các biện pháp kinh tế xanh.

Tóm lại, các nguyên nhân này cùng đóng góp vào việc tạo ra các mặt hạn chế trong việc áp dụng kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để vượt qua những thách thức này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự cam kết mạnh mẽ từ cả chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

4. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh

4.1. Đầu tư năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo đã và đang trở thành xu thế tất yếu nhằm thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch hữu hạn đã ngày càng cạn kiệt và cần thời gian lâu dài để tái tạo.

Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí địa lý thuận lợi, giáp biển Đông có thể sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…Điều này có thể thực hiện được thông qua việc đầu tư vào các dự án điện mặt trời trên mái nhà, trang trại gió, hoặc các dự án điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các nhà quản lý tại Thành phố Hồ Chí Minh phải xây dựng các quy định rõ ràng trong công tác quản lý, xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Đặc biệt đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà cần được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố quy định rõ ràng, tránh tình trạng các hộ gia đình tự ý lắp đặt công trình điện mặt trời sai quy định của Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Kiến trúc năm 2019 và các quy định khác.

4.2. Cải thiện giao thông công cộng

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một chiến lược kinh tế xanh đặc biệt nổi bật là tập trung vào việc đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng. Bằng cách này, việc mở rộng và cải thiện hệ thống đường sắt đô thị và dịch vụ xe buýt không chỉ giúp giảm ô nhiễm không khí mà còn giảm tải lượng giao thông trên đường bộ. Đồng thời, việc khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng phát thải khí nhà kính và tạo ra một môi trường sống lành mạnh và bền vững hơn. Đây không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là một cam kết đối với việc bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

4.3. Khuyến khích công nghiệp và doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và hiệu quả là một phần quan trọng trong việc định hình một Thành phố Hồ Chí Minh xanh và bền vững. Dưới đây là một số cách mà Thành phố có thể thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ này:

Một là, Thành phố có thể thiết lập các chính sách khuyến khích và cung cấp tài trợ tài chính cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và hiệu quả. Các khoản tài trợ này có thể hỗ trợ việc đầu tư vào việc nâng cấp công nghệ, mua sắm thiết bị mới, hoặc thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển mới.

Hai là, Thành phố cần đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống hỗ trợ cho việc triển khai công nghệ sạch. Điều này bao gồm việc xây dựng các khu công nghiệp và khu vực kinh doanh với hạ tầng phù hợp cho việc xử lý chất thải, tiết kiệm năng lượng, và quản lý tài nguyên nước.

Ba là, Thành phố cần tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực bằng cách khuyến khích và hỗ trợ hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ địa phương. Việc thiết lập các chương trình đối tác công tư có thể giúp thúc đẩy các dự án và giải pháp công nghệ sạch.

Bốn là, Thành phố cần đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo để nâng cao nhận thức và khả năng sử dụng công nghệ sạch trong cộng đồng doanh nghiệp. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các khóa học và hội thảo, cũng như hỗ trợ các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho các nhà quản lý và nhân viên.

Bằng cách tạo ra một môi trường kinh doanh thú vị và hỗ trợ, Thành phố Hồ Chí Minh có thể khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ sạch và hiệu quả, tạo ra một cộng đồng kinh doanh mạnh mẽ và bền vững.

4.4. Quản lý chất thải và xử lý nước thải

Đầu tư vào các hệ thống quản lý chất thải và xử lý nước thải hiệu quả có thể mang lại nhiều lợi ích rõ ràng cho Thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ, một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Môi trường Thành phố đã chỉ ra rằng việc đầu tư mỗi năm 100 triệu đô la vào các hệ thống xử lý nước thải có thể giảm đến 50% lượng nước thải đang được xả ra môi trường mà không qua xử lý. Điều này không chỉ giúp giảm ô nhiễm nước mà còn bảo vệ sức khỏe của người dân và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý chất thải cũng mang lại những kết quả tích cực. Ví dụ, việc triển khai hệ thống tái chế chất thải có thể giảm lượng chất thải đổ ra các bãi rác, từ đó giảm lượng khí methane phát ra từ quá trình phân hủy rác thải. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí nhà kính mà còn tạo ra nguồn tài nguyên tái chế mới và tăng cường sự bền vững của hệ thống quản lý chất thải.

Tóm lại, việc đầu tư vào các hệ thống quản lý chất thải và xử lý nước thải hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho môi trường và sức khỏe con người mà còn góp phần vào việc xây dựng một Thành phố Hồ Chí Minh xanh và bền vững trong tương lai.

4.5. Bảo tồn và mở rộng các khu vực xanh

Tăng cường việc bảo tồn và mở rộng các công viên, vườn cây và khu vực xanh trong Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là biện pháp cần thiết để cải thiện chất lượng không khí, mà còn là một đầu tư đáng giá cho một môi trường sống tốt đẹp và bền vững. Theo một nghiên cứu gần đây, mỗi hecta khu vực xanh có thể hấp thụ khoảng hàng nghìn kg khí CO2 mỗi năm và sản xuất hàng trăm kg oxy, giúp làm sạch không khí và duy trì sự cân bằng sinh thái của Thành phố.

Việc mở rộng và bảo tồn Công viên Gia Định là một minh chứng rõ ràng cho lợi ích của việc này. Không chỉ là nơi giải trí và vận động cho cư dân, công viên còn chơi vai trò quan trọng trong việc giảm nhiệt độ đô thị, hấp thụ khí CO2 và tạo điều kiện thuận lợi cho một môi trường sống giàu tài nguyên sinh học. Sự hiện diện của các khu vực xanh không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo ra một cộng đồng văn hóa và hòa nhập (Lưu & Hoàng, 2017).

Tóm lại, việc tăng cường bảo tồn và mở rộng các khu vực xanh trong Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một biện pháp hiệu quả trong việc cải thiện môi trường sống mà còn là một đầu tư quan trọng cho sức khỏe và sự thịnh vượng của cả cộng đồng.

4.6. Khuyến khích phát triển bền vững trong ngành du lịch

Để thúc đẩy ngành du lịch bền vững, cần mạnh mẽ hỗ trợ các hoạt động du lịch hướng tới bảo tồn môi trường và văn hóa, cùng xây dựng các cơ sở lưu trú tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Thống kê cho thấy, mỗi năm, du lịch góp phần vào khoảng 8% lượng khí thải toàn cầu, tương đương với 4,5 tỷ tấn CO2. Do đó, việc tập trung vào các hoạt động du lịch bền vững không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương.

Thành phố có thể khuyến khích các tour du lịch mang tính bảo tồn môi trường và văn hóa bằng cách phát triển các chương trình du lịch địa phương tại các khu vực như Cần Giờ - một trong những khu vực bảo tồn sinh quyển quan trọng nhất của Việt Nam. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động như trồng cây, dọn dẹp môi trường hoặc quan sát động vật hoang dã dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia bảo tồn môi trường.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng có thể khuyến khích việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng và khách sạn thân thiện với môi trường. Ví dụ, việc áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn nước tái chế trong các khu nghỉ dưỡng ven biển như Vũng Tàu hoặc Cần Giờ không chỉ giúp giảm tác động đến môi trường mà còn tạo ra một trải nghiệm du lịch bền vững và tốt đẹp cho du khách.

Tóm lại, bằng việc khuyến khích các hoạt động du lịch bảo tồn môi trường và văn hóa, cùng xây dựng cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường, chúng ta có thể đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch.

4.7. Giáo dục và đào tạo

Tăng cường giáo dục và đào tạo về các vấn đề kinh tế xanh và môi trường là một biện pháp quan trọng để nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng về việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc này có thể được thực hiện thông qua việc tích hợp nội dung liên quan vào chương trình giáo dục cơ bản và tổ chức các hoạt động đào tạo và hội thảo định kỳ.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chỉ có 30% sinh viên tại các trường đại học tại Thành phố được đào tạo về các khía cạnh của kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Do đó, việc tăng cường chương trình giáo dục trong các trường đại học và trung học phổ thông với các môn học và hoạt động liên quan đến kinh tế xanh và môi trường là cần thiết để nâng cao nhận thức của sinh viên về vấn đề này. Thêm vào đó, cần khuyến khích hoạt động tình nguyện vì cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tổ chức các sự kiện như hội thảo và khóa đào tạo về kinh tế xanh và môi trường cũng có thể giúp cung cấp kiến thức và kích thích sự quan tâm từ cộng đồng. Ví dụ, Hội thảo về Kinh tế Xanh và Môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn. Hay Học viện Cán bộ thành phố có thể tổ chức các chiến dịch tình nguyện như dọn dẹp bờ kè sông, trồng cây xanh, hoặc giảng dạy về vấn đề môi trường cho các cộng đồng dân cư địa phương (Nguyễn, 2023). Điều này không chỉ giúp tăng cường nhận thức mà còn thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

5. Kết luận

Tập trung phát triển mô hình kinh tế xanh cho Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng hiện nay, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái cho Thành phố Hồ Chí Minh. Trong phạm vi nghiên cứu hạn chế và thời gian hạn chế, bài viết chủ yếu tập trung phân tích thực trạng và đưa ra một số giải pháp về mô hình thực hiện kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về hướng nghiên cứu tiếp theo, nhóm tác giả sẽ tập trung nghiên cứu các yếu tố tác động và định hướng khi vận dụng mô hình kinh tế xanh, từ đó đề xuất một số kiến nghị phù hợp cho việc phát triển kinh tế xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đoàn, T. T. C. (2022, November 3). Phát triển kinh tế xanh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam. Tạp chí Ngân Hàng. Retrieved March 17, 2024, from https://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam.htm

2. Lưu, Đ., & Hoàng, T. (2017, August 22). Công viên Gia Định trở thành mảng xanh lớn nhất TP.HCM. PLO. https://plo.vn/cong-vien-gia-dinh-tro-thanh-mang-xanh-lon-nhat-Thành phố Hồ Chí Minh-post450295.html

3. Nguyễn, N. (2023, July 10). Hơn 500 sinh viên Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/hon-500-sinh-vien-hoc-vien-can-bo-Thành phố Hồ Chí Minh-tham-gia-chien-dich-tinh-nguyen-mua-he-xanh-1491910857

4. Nguyễn, P. T. (2021, 11 18). Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM221681

5. Nguyễn, T. (2024, January 1). TP.HCM hướng tới nền kinh tế xanh: Động lực từ Nghị quyết 98. Báo Tài nguyên và Môi trường. Retrieved March 16, 2024, from https://baotainguyenmoitruong.vn/tp-hcm-huong-toi-nen-kinh-te-xanh-dong-luc-tu-nghi-quyet-98-368636.html

 

Thống kê truy cập