169 vn

Logo

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

TUỔI TRẺ HỌC VIỆN CÁN BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ GỢI Ý CHO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

       Tác giả: Nguyễn Hoàng Bảo Việt (Lớp K6-CTH)

       Tóm tắt: Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế ban đêm đang ngày càng phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng. Ở nhiều nơi, kinh tế ban đêm đã trở thành một trong những dấu ấn mang sự nhận diện của các Thành phố, có sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều thành phố đã chọn phát triển kinh tế ban đêm như là một loại hình quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng phát triển kinh tế ban đêm tại một số quốc gia trên thế giới như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan để tìm ra những kinh nghiệm cho phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: kinh tế ban đêm, phát triển, kinh nghiệm, Thành phố Hồ Chí Minh.

1663247615-8

1. Đặt vấn đề

Có nhiều quan điểm khác nhau về kinh tế ban đêm trên thế giới. Trong lịch sử, khái niệm chợ đêm - nơi buôn bán hàng hóa nội địa (đồ ăn, thức uống, dược phẩm) đã tồn tại hàng nghìn năm. Đến những năm 70 của thế kỷ XX, ý tưởng về một thành phố luôn hoạt động 24/24 giờ đã xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX tại châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là đã thay đổi hướng tiếp cận ban đêm từ không gian mang tính tiêu cực cho xã hội (bạo lực đường phố, tội phạm, sử dụng thức uống có cồn) thành khoảng thời gian đem lại lợi ích cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành dịch vụ và văn hóa. Tuy nhiên, ở thế kỷ XXI, khái niệm “kinh tế ban đêm” mới bắt đầu xuất hiện và trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế của các thành phố, các quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo của một số quốc gia, kinh tế ban đêm được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra từ 17 giờ hoặc 18 giờ cho đến 06 giờ sáng hôm sau như ẩm thực, mua sắm, vui chơi, giải trí, sự kiện, lễ hội và một số điểm du lịch mở cửa vào buổi tối cho du khách. Thông thường, kinh tế ban đêm được chia thành “kinh tế buổi tối” (từ 18 giờ tối hôm trước đến 0 giờ sáng hôm sau)“kinh tế đêm muộn(từ 0 giờ sáng đến 06 giờ sáng). Ngày nay, kinh tế ban đêm không đơn thuần phục vụ về mặt dịch vụ cho đối tượng thanh thiếu niên ở khu vực đô thị mà ngày càng tiếp cận, phục vụ và thu hút nhiều đối tượng ở các độ tuổi, các nhóm khác nhau trong xã hội trong bối cảnh các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ mở rộng thời gian hoạt động của mình vào buổi tối. Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, vấn đề phát triển kinh tế ban đêm ngày càng được quan tâm nhiều hơn, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã mở ra một định hướng mới nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm tại một số quốc gia

Đi đầu trong phát triển kinh tế ban đêm trên thế giới có thể kể đến một số quốc gia như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc với những định hướng, cách làm hay và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Tiêu chí

Vương quốc Anh

Hoa Kỳ

Nhật Bản

Trung Quốc

Đóng góp vào GDP quốc gia

Trung bình 66 tỷ Bảng Anh/năm; quy mô khoảng 6% GDP

Doanh thu 6 tỷ đô la Mỹ tại San Francisco (số liệu năm 2015); 10 tỷ đô la Mỹ tại New York

Quy mô thị trường ước đạt 3,7 tỷ đô la Mỹ (số liệu năm 2020)

Quy mô thị trường ước đạt 2.400 tỷ đô la Mỹ (số liệu năm 2020)

Tạo việc làm

1,3 triệu việc làm

300 nghìn việc làm (tại New York)

-/-

-/-

Hoạt động kinh tế ban đêm chủ yếu

Ẩm thực, quán bar, mua sắm nghệ thuật, thể thao

Ẩm thực, quán bar, mua sắm, nghệ thuật, sân khấu kịch, bảo tàng

Ăn uống, quầy bar, câu lạc bộ, giải trí

Ăn uống, giải trí, thương mại, phim ảnh, trò chơi

Mô hình bộ máy quản lý

- Phân quyền quản lý cho chính quyền thành phố.

- Mô hình chuyên trách “Night Czar” tại London.

- Sự tham gia của cộng đồng.

- Phân quyền quản lý cho chính quyền thành phố.

- Mô hình chuyên trách “Thị trưởng ban đêm” (tại Seattle), Ủy ban giải trí (tại San Francisco).

- Sự tham gia của cộng đồng.

- Phân quyền quản lý cho chính quyền thành phố.

- Mô hình “Đại sứ ban đêm” (tại Shibuya, Tokyo).

- Sự tham gia của cộng đồng.

- Phân quyền quản lý cho chính quyền thành phố.

- Mô hình chuyên trách “CEO về cuộc sống ban đêm” (tại Thượng Hải), “Người thắp đèn” (Bắc Kinh).

- Sự tham gia của cộng đồng.

Dịch vụ giao thông, cơ sở hạ tầng

- Dịch vụ tàu điện ngầm chạy xuyên đêm, xe đạp công cộng (tại London).

- Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông.

Đầu tư, cải thiện hệ thống giao thông công cộng để tăng tính kết nối

Đầu tư, cải thiện hệ thống giao thông công cộng để tăng tính kết nối

- Tăng thời gian phục vụ tàu điện ngầm vào ban đêm (tại Bắc Kinh).

- Đầu tư, triển khai hệ thống bus đêm.

- Đầu tư thiết bị chiếu sáng, wifi công cộng, 5G.

Hỗ trợ tài chính

- Quỹ đầu tư đối với các sáng kiến chia sẻ văn hóa (tại London).

- Hỗ trợ giảm phí thuê mặt bằng (tại Leicester, Luton).

-/-

Trợ cấp tài trợ thúc đẩy du lịch ban đêm

Trợ cấp hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ (tại Bắc Kinh, Thượng Hải)

 

Bảng 1. Bảng tổng hợp về phát triển kinh tế ban đêm tại một số quốc gia

Qua nghiên cứu thực tế, tác giả có một số nhận định sau về kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm tại một số quốc gia:

Một là, các loại hình hoạt động kinh tế ban đêm mang về doanh thu cao và phổ biến ở các quốc gia có thể kể đến như dịch vụ ẩm thực, mua sắm, nghệ thuật, giải trí, nghỉ dưỡng,… Đây đều là các loại hình kinh tế được hưởng lợi từ nền du lịch của các quốc gia. Đặc biệt, ở Trung Quốc, hoạt động kinh tế ban đêm không chỉ gói gọn trong các dịch vụ trực tiếp mà còn bao gồm các hoạt động dịch vụ trực tuyến như thương mại điện tử, giải trí trực tuyến,… gắn với sự phát triển của các nền tảng như Douyin, Alibaba,…

Hai là, hoạt động kinh tế ban đêm tại các quốc gia đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt của các vùng đất, nâng cao giá trị nhận diện đối với khu vực và quốc gia. Quy mô của hoạt động kinh tế ban đêm đã mang lại giá trị kinh tế không nhỏ trong quy mô chung của nền kinh tế, đồng thời tạo ra thêm nhiều việc làm, góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp và tính chất công việc theo tính mùa vụ (đối với một số quốc gia châu Á).

Ba là, về mô hình tổ chức quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, có thể thấy, các quốc gia trên đã hình thành được phương thức quản lý khá hiệu quả, đó là phân cấp, phân quyền quản lý cho chính quyền địa phương (cấp thành phố, cấp quận). Với hình thức này, các địa phương có thể chủ động xây dựng các vị trí quản lý đặc thù, một mặt phù hợp với điều kiện thực tiễn của hoạt động kinh tế ban đêm, mặt khác tách biệt với chức năng quản lý nhà nước vào giờ hành chính. Bên cạnh đó, các quốc gia này còn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong kinh doanh, kiểm tra, quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm.

Bốn là, về các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh tế ban đêm, các quốc gia ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng mang tính kết nối cao, hoạt động xuyên đêm. Bên cạnh đó, các quốc gia có chính sách hỗ trợ về tài chính cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế ban đêm như: trợ cấp vốn đầu tư, giảm giá thuê mặt bằng, thực hiện truyền thông trên các nền tảng,… Một số quốc gia đã có sự điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện về mặt chính sách, pháp luật trong cấp phép kinh doanh một số loại mặt hàng, dịch vụ như rượu bia, hộp đêm, các câu lạc bộ,…, thậm chí có sự phân chia giữa phố “đèn xanh” - kinh doanh các loại dịch vụ ăn uống, mua sắm thường nhật và phố “đèn đỏ” - kinh doanh rượu bia, các quán bar,… Một số quốc gia cũng chú trọng đào tạo, đảm bảo sức khỏe cho nhân lực tham gia hoạt động kinh tế ban đêm.

3. Gợi ý chính sách phát triển kinh tế ban đêm cho Thành phố Hồ Chí Minh

3.1. Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của Thành phố Hồ Chí Minh

Để đánh giá khả năng phát triển kinh tế ban đêm của Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả sử dụng mô hình SWOT:

 

Điểm mạnh (Strengths)

Điểm yếu (Weaknesses)

- Tài nguyên du lịch, văn hóa - lịch sử, dịch vụ phong phú.

- Khí hậu ban đêm cơ bản ôn hòa, không quá khắc nghiệt.

- Cơ sở hạ tầng tương đối phát triển.

- Cơ cấu dân số trẻ, quy mô dân số trong độ tuổi thanh niên khá đông.

- Tình hình chính trị - xã hội ổn định, thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm.

- Việc phát triển kinh tế ban đêm còn chậm, chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, chưa có tính tập trung tại nhiều khu vực.

- Chưa có chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế ban đêm.

- Chiến lược truyền thông chưa được chú trọng.

 

Cơ hội (Opportunities)

Thách thức (Threats)

- Cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có quá trình phát triển kinh tế ban đêm từ lâu.

- Cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho phát triển kinh tế ban đêm: Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ; Đề án định hướng một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm Quận 1.

- Lượng du khách trong nước, quốc tế đến Thành phố ngày càng tăng.

- Mức sống, thu nhập của người dân Thành phố tăng, sẵn sàng chi cho các khoản dịch vụ.

- Tình hình suy thoái kinh tế.

- Vướng mắc quy định pháp luật.

- Tạo điều kiện để xuất hiện các loại tội phạm như cướp giật, trộm cắp, gây rối trật tự cộng đồng,…

- Dễ xuất hiện hình thức giải trí bằng cờ bạc, mua bán dâm, ma túy trá hình.

- Nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an toàn giao thông.

- Nguy cơ tạo ra ô nhiễm môi trường; các vấn đề về cháy nổ.

- Việc chiếm dụng không gian công cộng (lòng, lề đường, vỉa hè) để phục vụ cho việc kinh doanh cá nhân.

Bảng 2. Phân tích khả năng phát triển kinh tế ban đêm của Thành phố Hồ Chí Minh thông qua mô hình SWOT

3.2. Một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Một là, chính quyền Thành phố cần quan tâm, có định hướng phát triển kinh tế ban đêm. Chính quyền Thành phố nên xem xét việc đưa hoạt động kinh tế ban đêm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, đồng thời thí điểm từng bước việc phát triển kinh tế ban đêm tại một số địa phương đang có sẵn nguồn lực theo cơ chế “sandbox”, từ đó có cơ sở để xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn Thành phố. Chính quyền Thành phố có thể xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm để đảm bảo sự phát triển bài bản, hài hòa giữa yếu tố kinh tế, văn hóa, môi trường sống và hệ thống cơ sở hạ tầng - kỹ thuật.

Hai là, việc phát triển kinh tế ban đêm tại Thành phố Hồ Chí Minh cần được thực hiện trên toàn diện các ngành nghề, dịch vụ, lĩnh vực. Theo đó, Thành phố cần phát huy tốt các lĩnh vực truyền thống, có thế mạnh và đã đáp ứng được cơ bản về nguồn lực như ẩm thực, mua sắm, giải trí,…; phát huy tốt các thiết chế đảm bảo cho hoạt động kinh tế ban đêm như các nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại, khu vui chơi, vũ trường, phố đi bộ, quán karaoke,…; tăng cường đưa các sản phẩm giới thiệu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân tộc vào hoạt động kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, Thành phố cần nghiên cứu mở rộng phát triển kinh tế ban đêm ở nhiều lĩnh vực, dịch vụ mới gắn với kinh tế số, xã hội số để đáp ứng với nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng. Đồng thời, Thành phố có thể thực hiện mô hình các phố chuyên doanh, các phố đi bộ, phố đêm,… để phát huy một cách hiệu quả các sản phẩm đặc trưng, tránh hoạt động nhỏ lẻ, manh mún.

Ba là, chính quyền Thành phố cần có các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về hoạt động kinh tế ban đêm, bên cạnh việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế ban đêm như giảm thuế thu nhập, giảm giá thuê mặt bằng, hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm,… Việc kết nối, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng - kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng, hệ thống viễn thông cần được tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, cần có hệ thống giao thông công cộng có tính kết nối, tính thuận tiện; hệ thống viễn thông có chất lượng và độ phủ sóng rộng.

Bốn là, phát triển kinh tế ban đêm phải đi đôi với việc đảm bảo an ninh trật tự cộng đồng và bảo vệ, phát huy các yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc. Khi lượng khách trong nước và quốc tế đến Thành phố có xu hướng tăng trong thời gian tới, đồng nghĩa với những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh và những hoạt động trái phép ảnh hưởng tới văn hóa sẽ xuất hiện ở Thành phố. Do đó, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công an, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế ban đêm; quản lý chặt chẽ tình hình an ninh trật tự tại các khu vực kinh tế ban đêm. Đồng thời, phát triển kinh tế ban đêm phải đi đôi với bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân, cộng đồng, xã hội.

Năm là, cần đầu tư cho hoạt động quảng bá, tuyên truyền du lịch. Có thể thấy ngành du lịch Thành phố cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển của hoạt động kinh tế ban đêm. Do đó, chính quyền Thành phố cần có sự đầu tư đúng mức cho việc quảng bá, tuyên truyền. Theo đó, cần tăng cường quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, sử dụng có hiệu quả đội ngũ KOL có chất lượng, tổ chức thực hiện các chuyên mục về du lịch Thành phố (theo khẩu hiệu Vibrant HCMC) trên các kênh truyền hình quốc tế nhằm tăng độ nhận diện cho du lịch Thành phố nói chung và hoạt động kinh tế ban đêm tại Thành phố nói riêng.

4. Kết luận

Kinh tế ban đêm ngày càng có sự đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh đang hội tụ những lợi thế sẵn có cho phát triển kinh tế ban đêm với kỳ vọng sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tốt những nguồn lực trong xã hội. Trong thời gian tới, Thành phố cần học tập, nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm của các thành phố lớn, các quốc gia trên thế giới và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn để hoạt động kinh tế ban đêm tại Thành phố ngày càng sôi nổi, phong phú hơn, tương xứng với tiềm năng phát triển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Heath, T. (1997), The twenty‐four hour city concept - A review of initiatives in British cities. Journal of Urban Design, 2(2), 193-204

2. Nguyễn Hoàng Phương. (2020). Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải, 36, 84-87.

3. Trọng Ngôn. (2020). Thành phố Hồ Chí Minh: “Đánh thức” tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm. Truy cập tại: https://vietnamtourism.gov.vn/post/31264

 

Thống kê truy cập